Màu sắc thương hiệu nói lên những gì bạn hướng đến.Những vấn đề về màu sắc: Tại sao bạn nên quan tâm tới màu sắc của thương hiệu? Nhiều nghiên cứu đã chỉ ra rằng: màu sắc sản phẩm ảnh hưởng từ 60 đến 80% quyết định chi tiền của khách hàng. Vì thế màu sắc có thể làm một sản phẩm trở nên tuyệt diệu hoặc ngược lại. Nhãn hiệu và logo của công ty bạn có thực sự tác động tới nhận thức của khách hàng hay không? 

Màu sắc là thứ đầu tiên mà người tiêu dùng sẽ chú ý tới trên logo của công ty bạn. Chi phí mà công ty bạn bỏ ra để chọn màu sắc cho thương hiệu có thể ít hay nhiều, nhưng nếu chọn lựa màu sắc một cách sai lầm thì có thể công ty bạn sẽ tốn một khoảng chi phí trong thời gian dàiMột nghiên cứu về màu sắc dùng trong 100 thương hiệu hàng đầu thế giới (được xác định bằng giá trị thương hiệu) đã phân tích và chỉ ra những số liệu như sau:

Các màu sắc được sử dụng nhiều nhất:

– 33% màu xanh
– 29% màu đỏ
– 28% màu đen hoặc xám
– 13% màu vàng.7% còn lại.
– Có đến 95% các công ty dùng 1 hay 2 màu cho thương hiệu và 5% còn lại là nhiều hơn 2 màu.

“TOP” những màu sắc được sử dụng để thiết kế thương hiệu trên thế giới.

KHÁCH HÀNG CÓ PHẢN ỨNG NHƯ THẾ NÀO VỚI NHỮNG MÀU SẮC KHÁC NHAU!?

Mỗi màu sắc tạo cho người ta mỗi cảm giác và phản ứng khác nhau. Rất nhiều nghiên cứu đã chỉ ra rằng làm thế nào mà mỗi màu sắc lại có mỗi hiệu ứng khác nhau như vậy. Những màu sắc có thể chia thành hai gam màu cơ bản: Nóng và Lạnh.
– Màu nóng thường tạo ra cảm giác mạnh mẽ.
– Màu lạnh thì gợi cho chúng ta sự điềm tĩnh và an toàn.

NGÔN NGỮ CỦA MÀU SẮC

1. ĐỎ: Màu đỏ gợi nên sự đam mê mãnh liệt. Nó là màu kích thích thuyến yên hoạt động và làm nhịp tim của chúng ta đập nhanh hơn…
COLOR CODE: TÍCH CỰC, NĂNG ĐỘNG, KÍCH THÍCH, TÁO BẠO.

2. TÍM: Màu tím là màu sắc tinh tế một cách bí ẩn. Nó cho ta thấy sự sang trọng, quý phái, tinh tế từ sâu trong con người bạn.
COLOR CODE: SANG TRỌNG, TINH TẾ, HOÀI CỔ, BÍ ẨN, LÃNG MẠN, QUÝ TỘC.

3. XANH DA TRỜI: Là màu phổ biến nhất được dùng trong thiết kế thương hiệu. Màu xanh làm người ta cảm thấy thoải mái và dễ chịu vì nó khiến người ta liên tưởng tới bầu trời xanh và mặt đại dương gợn sóng.
COLOR CODE: RỘNG RÃI, TỰ DO, THOẢI MÁI, TIN CẬY, TRÁCH NHIỆM, BỀN VỮNG, SỨC MẠNH.

4. XANH LÁ: Màu xanh lá đồng nghĩa với sự tĩnh lặng, tươi mát, và khoẻ khoắn. Nhưng lại có sự khác biệt lớn giữa các sắc thái khác nhau của nó, như màu xanh đậm cho cảm giác về sự trù phú, còn xanh nhạt lại cho ta cảm giác sự thanh thản, bình lặng.
COLOR CODE: SỰ GIÀU CÓ, SỨC KHOẺ, UY TÍN, THANH THẢN, PHÁT TRIỂN.

5. VÀNG: Màu vàng làm cho người ta liên tưởng đến mặt trời nên nó tượng trưng cho sự hi vọng và lạc quan. Nó kích thích sự sáng tạo, năng động và khoẻ khoắn. Độ sáng của nó rất hữu ích trong việc tạo sự bắt mắt cho khách hàng.
COLOR CODE: LẠC QUAN, ẤM ÁP, HẠNH PHÚC, MẠNH MẼ, SÁNG TẠO.

6. CAM: Màu cam là sự kết hợp giữa sự lạc quan của màu vàng với độ trầm và mạnh mẽ của màu đỏ, để tạo ra một màu sắc đầy sinh động của cuộc sống.
COLOR CODE: SỨC SỐNG, VUI VẺ, TRẺ TRUNG, TỰ TIN, THÂN THIỆN.

7. NÂU: Màu nâu nói lên sực mộc mạc cũng như sức mạnh và sự bền bỉ.
COLOR CODE: MỘC MẠC, ỔN ĐỊNH, ĐƠN GIẢN, BỀN VỮNG.

8. ĐEN: Màu đen được rất nhiều các công ty sử dụng như là cách để nói lên sự tinh tế và cổ điển của sản phẩm. Nó đặc biệt thích hợp cho các sản phẩm đắt tiền, sang trọng.
COLOR CODE: UY TÍN, GIÁ TRỊ, BỀN VỮNG, TRUYỀN TRỐNG, CỔ ĐIỂN, TINH TẾ, SANG TRỌNG.

9. TRẮNG: Màu trắng đại điện cho sự tinh khiết( tựa như màu váy cưới) và sạch sẽ( như màu áo bác sĩ). Với ý nghĩa như vậy, màu trắng được sử dụng phổ biến cho các dịch vụ chăm sóc sức khoẻ và các dịch vụ cho trẻ em.
COLOR CODE: TINH KHIẾT, SẠCH SẼ, BỀN BỈ, CAO THƯỢNG.
Nguồn diendaninan.com

Các kích thước của giấy khổ A, theo quy định của ISO 216, được đưa ra trong bảng dưới đây trong cả hai mm và inch (đo cm có thể thu được bằng cách chia giá trị mm 10).

Hình biểu đồ bên dưới đưa ra một lời giải thích trực quan của các kích thước liên quan đến nhau – ví dụ như A5 là một nửa kích thước giấy A4 và A2 là một nửa của khổ giấy A1.

Cách xác định:

Một loạt các kích thước giấy được quy định tại ISO 216 các yêu cầu sau đây:

– Chiều dài chia cho chiều rộng là 1,4142
– Kích thước A0 có diện tích 1 mét vuông.
– Mỗi kích thước sau A (n) được định nghĩa là A (n-1) cắt giảm một nửa song song với các cạnh của nó ngắn hơn.
– Chiều dài tiêu chuẩn và chiều rộng của mỗi kích thước được làm tròn đến mm gần nhất.

Oenix xin giới thiệu đến quý khách hàng các kích thước thành phẩm in ấn thông dụng nhất,

– Kích thước thành phẩm Danh thiếp chuẩn: 8.8×5.3cm

– Kích thước thành phẩm Giấy tiêu đề: A4 (21×29.7cm)

– Kích thước thành phẩm Bao thư nhỏ: 12x22cm

– Kích thước thành phẩm Bao thư trung: 16x23cm

– Kích thước thành phẩm Bao thư lớn: 25x35cm

– Kích thước thành phẩm Tờ rơi: A5 (21×14.8cm) hoặc A4 (21×29.7cm)

– Kích thước thành phẩm Nhãn dán đĩa: Đường kính 11.7cm

– Kích thước thành phẩm Bìa đựng hồ sơ (folder): 22x31cm

– Kích thước thành phẩm Phiếu quà tặng (voucher): 7x18cm

– Kích thước thành phẩm Poster gắng vào standee (chữ X và Cuốn): 0.6×1.6 cm (loại nhỏ) hoặc 0.8x2m (loại lớn)

Quý khách lưu ý: Trên đây là các kích thước chuẩn mang tính chất tham khảo, quý khách hàng có thể linh động kích thước để cho ra những ấn phẩm đẹp và độc đáo hơn.

Ảnh Bitmap: Gọi theo từ kỹ thuật là ảnh mành hóa (Rater Image), dùng lưới các điểm ảnh, tức pixel, để biểu thị hình ảnh. Mỗi pixel (điểm ảnh) được gán một vị trí và gán giá trị mầu cụ thể.

=> Ảnh Bitmap là ảnh được tạo bởi ma trận các điểm ảnh

Ví dụ: Bánh xe trong ảnh bitmap tạo thành từ một tập hợp điểm ảnh tại vị trí đó. Khi làm việc với ảnh Bitmap, thực tế ta hiệu chỉnh chỉnh điểm ảnh chứ không phải hiệu chỉnh đối tượng hay hình dạng: Mấu chốt của xử lý ảnh bitmap là ở chỗ này.

Ảnh Vector: Đuợc tạo bởi các đoạn thẳng và đường cong đuợc định nghĩa bằng các đối tượng toán học gọi là Vector. Hình Vector mô tả hình ảnh dựa trên các thuộc tính hình học của hình ảnh đó.

=> Chỉnh ảnh Vector là chỉnh thuộc tính của đối tượng đó: mấu chốt là của xử lý ảnh Vector là ở chỗ này.

Ví dụ: Một bánh xe trong hình ảnh Vector đuợc tạo bởi sự định nghĩa về mặt toán học với một đường tròn được vẽ với bán kính nào đó, một vị trí chỉ định trước và đuợc tô với một mầu chỉ định. Ta có thể dịch chuyển, thay đổi kích thước hoặc thay đổi mầu của bánh xe mà không làm giảm chất lượng của hình ảnh.

1. Giấy Fort: Là loại giấy phổ biến và thông dụng, thường thấy nhất là giấy A4 trong các tiệm photo, định lượng thường là 70-80-90g/m2… Giấy ford có bề mặt nhám, bám mực tốt (do đó mực in không đẹp lắm) cũng được dùng làm bao thư lớn, bao thư nhỏ, giấy note, letter head(giấy tiêu đề), hóa đơn, tập học sinh …

2. Giấy Bristol: Có bề mặt hơi bóng, mịn, bám mực tốt vừa phải, vì thế in offset đẹp, thường dùng in hộp xà bông, mỹ phẩm, dược phẩm, bìa sơ mi, brochure, card, tờ rơi, poster , thiệp cưới, thiệp mời… định lượng thường thấy ở mức 230 – 350g/m2.

3. Giấy Ivory cũng tương tự như Bristol, nhưng chỉ có một mặt láng, mặt còn lại sần sùi, thường nằm ở mặt trong sản phẩm (Giấy được dùng làm bao bì thực phẩm thường phải được kiểm định an toàn thực phẩm khi được sử dụng làm vỏ hộp, vỏ bao bì thực phẩm).

4. Giấy Couches: Loại thường có bề mặt bóng, mịn, láng, in rất bắt mắt và sáng (vì vậy nên giấy phản quang, chói mắt khi bắt ánh sáng). Dùng để in tờ rơi quảng cáo, catalogue, poster, brochure…Định lượng vào khoảng 90-300g/m2.

Ngoài ra, còn  có Couches Matt cũng tương tự nhưng không phản xạ ánh sáng, thường được dùng để in các loại tạp chí cao cấp.

các loại giấy trong in ấn - giấy couches matt

5. Giấy Duplex: Có bề mặt trắng và láng gần giống với Bristol, mặt kia thường sẫm như giấy bồi. Thường dùng in các hộp sản phẩm kích thước khá lớn, cần có độ cứng, chắc chắn vì định lượng thường trên 300g/m2.

6. Giấy Crystal: có một mặt rất láng bóng gần như có phủ lớp keo bóng vậy, mặt kia nhám, thường xài trung gian giữa giấy Bristol và giấy Couches tùy theo mục đích yêu cầu sản phẩm…

7. Khác: Ngoài ra, có các loại giấy mỹ thuật, cán gân, dát vàng, bạc… in bằng khen, thiệp cưới… các loại giấy than, giấy carton và nhiều loại khác nữa… Một vài loại giấy mỹ thuật được nhà in chào hàng:

8. Đặc biệt: Ngoài những loại giấy in công nghiệp trên, thị trường Việt Nam còn có những loại giấy như Glossy (Giấy in ảnh), Inkjet (Giấy in màu), Giấy in Card.. thường dùng trong các dịch vụ in nhanh, số lượng ít… nhưng nói số lượng ít thì cũng không đúng vì số lượng giấy chiếm khá lớn trong ngành in, đa số những loại giấy này có xuất sứ từ Trung Quốc, giá cả hợp lý chất lượng thì đáp ứng được gần như hầu hết nhu cầu của khách hàng…

NHỮNG LƯU TÂM VỀ GIẤY:

– Kích thước luôn viết chiều ngắn hơn trước.

– Tất cả các khổ trong các dãy A, B và C đều là các hình chữ nhật với tỷ lệ 2 cạnh là căn bậc 2 của 2, xấp xỉ 1.414.Diện tích của khổ A0 quy định là 1m².

– Các cạnh của khổ A0 do đó được xác định là 841×1189mm

– Các khổ trong cùng dãy được theo thứ tự xác định lùi, khổ sau có diện tích bằng 50% diện tích khổ trước (được chia bằng cách cắt khổ trước theo đường cắt song song với cạnh ngắn).

 

QR Code: Mã vạch thế hệ mới

QR Code, viết tắt của Quick response code (tạm dịch “Mã phản hồi nhanh”) hay còn gọi là mã vạch ma trận (matrix – barcode) là dạng mã vạch hai chiều (2D) có thể được đọc bởi một máy đọc mã vạch hay smartphone (điện thoại thông minh) có chức năng chụp ảnh (camera) với ứng dụng chuyên biệt để quét mã vạch.

Một mã QR có thể chứa đựng thông tin một địa chỉ web (URL), thời gian diễn ra một sự kiện, thông tin liên hệ (như vCard), địa chỉ email, tin nhắn SMS, nội dung ký tự văn bản hay thậm chí là thông tin định vị vị trí địa lý. Tùy thuộc thiết bị đọc mã QR mà bạn dùng khi quét, nó sẽ dẫn bạn tới một trang web, gọi đến một số điện thoại, xem một tin nhắn…

Mã QR đi vào đời sống

Tuy còn xa lạ với mọi người nhưng Mã QR đã và đang đi vào đời sống hiện đại, hiện diện ở khắp nơi, từ những cao ốc lớn đến những name card trao tay, từ những thiếp mời các sự kiện công nghệ, hội thảo hay chỉ đơn giản là để nhập thêm bạn trên BlackBerry Messenger (quét mã QR để nhận dạng số PIN).

Cách đọc mã QR code

Việc đọc các mã QR code khá đơn giản, dưới đây mình giới thiệu một vài phần mềm thông dụng cho các loại điện thoại.

Nếu bạn đang sử dụng Android

Bạn có thể tìm các phần mềm sau trên Android để scan barcode: Barcode Scanner

Nếu bạn sử dụng iOS

Có thể vào App Store và tìm ứng dụng iCheck đây có lẽ là ứng dụng theo mình đánh giá là tốt nhất trên iOS hiện tại.

Điểm chung khi sử dụng các phần mềm này là các bạn cần phải sử dụng camera của điện thoại để scan các QR các bức ảnh QR code để chương trình dịch ngược lại từ ảnh ra nội dung.

Vi dụ: iCheck scanner – Ứng dụng nhận diện hàng thật hàng giả

Tạo mã QR ra sao?

Mã QR có thể được in ở bất kỳ máy in nào tương thích mã QR. Phần mềm chạy trên hệ điều hành Windows có thể được dùng để tạo mã QR rồi in ở bất kỳ máy in nào tương thích với PC dùng Windows.

Trong in ấn, có hai phương pháp in là in riêng và in ghép đặc biệt quan trọng. Trong quá trình in ấn phẩm ,việc chọn lựa phương pháp in có ảnh hưởng lớn đối với chất lượng và thời gian thực hiện sản phẩm. Thông thường, phương pháp in riêng và in ghép ứng dụng cho một số sản phẩm như: name card, phong bì, voucher, vé sự kiện…

In ghép:

Mỗi một file thiết kế của khách hàng sẽ được ghép chung với các khách hàng khác trên cùng một khổ giấy và cùng một bài in ( cùng một lượt in).

  • Ưu điểm: Tiết kiệm được chi phí in ấn.
  • Khuyết điểm: Do nhiều ấn phẩm được thiết kế khác nhau nên việc canh màu chuẩn xác cho từng file trong cùng một khổ in (hoặc bài in) khó thực hiện hơn là in riêng mỗi file trên một khổ in . Màu sắc tương  đối giống với file thiết kế.

In riêng:

  • Ưu điểm: Có thể canh màu chuẩn xác giống với file thiết kế.
  • Khuyết điểm: Chi phí tương đối cao hơn in ghép.

Poster là ấn phẩm được dùng thông dụng trong lĩnh vực truyền thông, quảng cáo với công dụng cung cấp, chia sẻ thông tin, hình ảnh, làm tranh dán tường, lịch…

Poster thường được dán cố định trên tường hoặc trên cửa kính, cũng có thể được đặt di động bên ngoài trên các khung, chân dành riêng.

Poster thường thiết kế với màu sắc nổi bật, bắt mắt gây nhiều chú ý và ấn tượng cho người xem.

Poster có ba dạng cơ bản: Poster giấy, Poster PP trong nhà, Poster PP ngoài trời.

Poster Giấy:

Poster in trên giấy Couche. Loại giấy thường có bề mặt bóng, mịn, láng, in rất bắt mắt và sáng.

Thông thường Poster Giấy in trên giấy có định lượng từ 150gsm.

Poster giấy thông dụng, tiết kiệm chi phí.

Poster PP trong nhà:

Poster PP trong nhà được in trên chất liệu giấy PP (Paper Plastic) bằng mực in thường, không mùi, sau khi in, để bảo vệ mực in và chất lượng hình ảnh người ta thường cán thêm 1 lớp màng bóng hoặc mờ. Mặt phía sau có thể có một lớp keo hoặc không keo. Nếu dùng để treo trên standee thì có đóng thêm khoen.

Poster PP trong nhà được in kỹ thuật số nên có ưu điểm là thời gian nhanh chóng, có thể lấy ngay trong vòng 24h.

Hình ảnh khi in PP có độ phân giải cao nhất, màu sắc trung thực, sắc nét.

Poster PP ngoài trời:

Poster PP ngoài trời được in trên chất liêu giấy PP bằng mực in ngoài trời, chịu nắng, chịu nhiệt nên có độ bền cao, ít phai màu. Có thể sử dụng lâu dài ngoài trời. Tương tự như PP trong nhà, PP ngoài trời có thể cán một lớp màng mờ hoặc bóng để bảo vệ mực in, và có thể đóng thêm khoen để treo.

Hình ảnh in trên PP ngoài trời cũng được đảm bảo về độ phân giải cao nhất. Mảu sắc bền đẹp.

Để tạo hình, làm giảm độ góc cạnh cho các góc của ấn phẩm, thông thường có hai kỹ thuật là chặt góc và bo góc theo khuôn.

Hai phương pháp này thường ứng dụng trong các ấn phẩm như name card, thiệp, tờ gấp, folder, bao thư…

Tuy nhiên hai phương pháp tuy có chung mục đích nhưng cách thực hiện khác nhau và có ưu khuyết riêng.

Về mục đích: Bo góc theo khuôn và chặt góc cùng chung mục đích là cắt xén các góc của ấn phẩm sao cho giảm độ góc cạnh và các góc được đều, có tính thẩm mỹ.

Chặt góc, Bo góc theo khuôn

  • Chặt góc sử dụng máy có các chuẩn góc có sẵn theo các kích thước quy định từ nhỏ tới lớn. Góc của ấn phẩm được đặt vào 1 vị trí trên máy, sau khi chọn kích thước góc mong muốn, người ta sẽ cắt xén góc đã đặt vào trước đó với kích thước này.
  • Bo góc theo khuôn cũng sử dụng máy, nhưng so với phương pháp chặt góc có phần công phu hơn, ở phương pháp này người ta không dùng các chuẩn kích thước có sẳn của máy mà sẽ làm khuôn theo đúng như nguyên mẫu thiết kế và chặt tất cả các ấn phẩm theo khuôn đó.

Ưu điểm:

  • Chặt góc: Chặt góc có giá thành tiết kiệm, thời gian thực hiện nhanh chóng do các chuẩn góc đã có sẵn chỉ cần tiến hành chặt ngay.
  • Bo góc theo khuôn: Góc ấn phẩm được bo đúng như thiết kế, góc bo sắc nét, liền mạch, cân đối, đều đẹp. Có thể ứng dụng kỹ thuật bo góc theo khuôn để sáng tạo ra nhiều thiết kế góc vì khuôn sẽ được làm theo đúng yêu cầu thiết kế.

Khuyết điểm:

  • Chặt góc: Do góc ấn phẩm được đưa vào máy, chọn kích thước theo chuẩn góc có sẵn nên không đa dạng về thiết kế, góc chặt không được cân đối và sắc nét.
  • Bo góc theo khuôn: Do bo góc theo khuôn nên khi sử dụng phải đặt làm khuôn theo thiết kế, vì vậy giá thành cao và thời gian thực hiện sẽ dài hơn phương pháp chặt góc.

Để thành phẩm in ấn của quý khách được chất lượng nhất, Oenix chỉ chấp nhận các file ảnh với độ phân giải và yêu cầu sau:

  • Độ phân giải ảnh là số điểm ảnh hoặc pixels tạo nên hình ảnh. Được tính bằng đơn vị dpi hoặc dots/ inch. Chỉ số dpi của ảnh cao, đồng nghĩa cho ra hình ảnh chất lượng cao và dung lượng file cũng lớn.
  • Độ phân giải tốt nhất là bao nhiêu dpi? Đối với hình ảnh in, độ phân giải lý tưởng là 300 dpi cho hình ảnh và 400 dpi cho văn bản ở kích thước in cuối cùng.
  • Độ phân giả dpi của tôi lớn nhưng kích thước ảnh của tôi nhỏ hơn so với kích thước thành phẩm in, vậy khi thành phẩm in hình ảnh có chất lượng ko? Khi thành phẩm in hình ảnh sẽ không được chất lượng như bạn mong muốn. Oenix khuyến khích khách hàng gửi fiile in với kích thước bằng hoặc lớn hơn so với kích thước thành phẩm in.

Lời khuyên hữu ích:

  • Độ phân giải màn hình của bạn không phản ánh chính xác độ phân giải hình ảnh của bạn bởi vì màn hình hiển thị thường có khoảng 72-116 dpi. Để xem độ phân giải in phóng to, hình ảnh của bạn lên đến 300-400%.
  • Khi chụp ảnh từ một máy ảnh kỹ thuật số cho dự án in của bạn, nó tốt nhất để thiết lập máy ảnh của bạn để thiết lập độ phân giải cao nhất.
  • Quy trình in bốn màu sử dụng chế độ màu CMYK. Chuyển đổi hình ảnh RGB – CMYK bằng cách sử dụng phần mềm đồ họa chỉnh sửa chẳng hạn như Adobe Photoshop.
  • Lưu hình ảnh của bạn trong một định dạng như .Tif  và .Eps để duy trì độ chính xác và chất lượng.

– Cyan là màu lục lam

M – Magenta là màu đỏ tươi (màu hồng đỏ),

Y – Yellow là màu vàng

K – Keyline/Black là màu đen

Bốn màu này kết hợp tạo ra các màu sắc còn lại:

Tạo ra các điểm ảnh

Bài viết trên dựa theo kiến thức cơ bản và giải thích một cách đơn giản nhất, để tìm hiểu kỹ hơn quý khách có thể ghé thăm các diễn đàn in ấn: kythuatin.com, diendaninan.com,..

In offset là một kỹ thuật in ấn trong đó, các hình ảnh dính mực in được ép lên các tấm cao su (còn gọi là các tấm offset) trước rồi mới ép từ miếng cao su này lên giấy. Khi sử dụng với in thạch bản, kỹ thuật này tránh được việc làm nước bị dính lên giấy theo mực in. Các ưu điểm của kỹ thuật in này là:

Các ưu điểm:

  • Chất lượng hình ảnh cao – nét và sạch hơn in trực tiếp từ bản in lên giấy vì miếng cao su áp đều lên bề mặt cần in.
  • Khả năng ứng dụng in ấn lên nhiều bề mặt, kể cả bề mặt không phẳng (như gỗ, vải, kim loại, da, giấy thô nhám).
  • Việc chế tạo các bản in dễ dàng hơn.
  • Các bản in có tuổi thọ lâu hơn – vì không phải trực tiếp tiếp xúc với bề mặt cần in.

In offset ngày nay đã trở thành kỹ thuật in phổ biến nhất trong in ấn thương mại. Tuy vậy trong các in ấn dành cho thú vui cá nhân, người ta vẫn có thể tạo ra một số ít sách với chất lượng cao, sử dụng cách in trực tiếp. Một số người vẫn thích các đường nét chìm nổi để lại trên giấy từ việc in trực tiếp. Thậm chí một số sách kiểu này còn được in bằng các bản in được xếp từ các con chữ chì, đây là công nghệ in typo, một công nghệ khá cổ. Máy in dùng kỹ thuật offset và thạch bản đầu tiên ra đời ở Anh khoảng năm 1875 và đã được thiết kế để in lên kim loại. Trống offset làm bằng giấy các tông truyền hình ảnh cần in từ bản in thạch bản sang bề mặt kim loại. Khoảng 5 năm sau, giấy các tông được thay bằng cao su.

Người đầu tiên áp dụng kỹ thuật in offset cho in ấn trên giấy có thể là Ira Washington Rubel năm 1903. Ông đã tình cờ nhận thấy mỗi khi một tờ giấy không được đưa vào máy in thạch bản của ông một cách đúng nhịp, bản in thạch bản in lên trống in được bọc bằng cao su, và tờ giấy cho vào tiếp theo bị dính 2 hình: bản in thạch bản ở mặt trên và bản in do dính từ trống in ở mặt dưới. Rubel cũng nhận thấy hình ảnh in từ trống in cao su nét và sạch hơn vì miếng cao su mềm áp đều lên giấy hơn là bản in bằng đá cứng. Ông đã quyết định in thông qua các tấm bằng cao su. Độc lập với Rubel, hai anh em Charles Harris và Albert Harris cũng đã phát hiện ra điều này và chế tạo máy in offset cho Công ty In ấn Tự động Harris.

Các thiết kế của Harris, phát triển từ máy in gồm các trống quay, rất giống hình vẽ trong bài. Nó gồm một trống bản in tiếp xúc chặt với các cuộn mực in và nước. Một trống cao su tiếp xúc ngay bên dưới trống xếp chữ. Trống in ở bên dưới có nhiệm vụ ấn chặt tờ giấy vào trống cao su để truyền hình ảnh. Ngày nay, cơ chế cơ bản này vẫn được dùng, nhưng nhiều cải tiến đã được thực hiện, như thêm in hai mặt hay nạp giấy bằng cuộn giấy (thay vì các miếng giấy).

Trong những năm 1950, in offset trở thành kỹ thuật in phổ biến nhất cho in ấn thương mại, sau khi nhiều cải tiến đã được thực hiện cho bản xếp chữ, mực in và giấy, tối ưu hóa tốc độ in và tuổi thọ các bản xếp chữ. Ngày nay, đa số in ấn, gồm cả in báo chí, sử dụng kỹ thuật này.

Nguyên lý in offset

In offset là phương pháp in phẳng, các thông tin hình ảnh được thể hiện trên bản in có tính quang hoá để tạo ra các phần tử in bắt mực và phần tử không in thì bắt nước. Ngoài ra hình ảnh trên khuôn in phải là hình ảnh thuận, tức là cùng phương với tờ in sẽ được in ra.

Cấu tạo máy in offset

Một máy in offset tờ rời gồm có các bộ phận chủ yếu như: một bộ phận cung cấp giấy, một hay nhiều đơn vị in, các thiết bị trung chuyển để đưa giấy qua máy in, một bộ phận ra giấy và các bộ phận bổ trợ thêm như bàn điểu khiển máy in.

Thông thường một đơn vị in trong máy in offset tờ rời có ba trục chính cùng hệ thống làm ẩm và hệ thống chà mực lên khuôn in.

  • Ống bản: là một trục ống bằng kim loại, trên khuôn in phần tử in bắt mực còn phần tử không in bắt nước.
  • Ống cao su: là môt trục ống mang tấm cao su offset, có cấu tạo gồm một lớp vải bọc với cao su tổng hợp để truyền hình ảnh từ khuôn in lên bề mặt vật liệu in.
  • Ống ép: là một trục khi quay luôn tiếp xúc với ống cao su, làm nhiệm vụ chuyển giấy và các vật liệu in khác. Hệ thống làm ẩm: là hệ thống các lô làm ẩm bằng dung dịch làm ẩm có chứa các chất phụ gia như: axit, gôm arabic, cồn isopropyl hay các tác nhân làm ẩm khác.
  • Hệ thống cấp mực: là hệ thống các lô chà mực cho bản in. Các thành phần quan trọng khác. Ngoài các đơn vị in ra, trong máy in offset một màu hay nhiều màu còn bao gồm các bộ phận sau:
  • Bộ phận nạp giấy: làm nhiệm vụ hút giấy và các vật liệu in khác từ bàn cung cấp giấy lên và đưa xuống đơn vị in đầu tiên.
  • Các bộ phận trung chuyển (thông thường là các trục ống có nhíp kẹp giấy): có khả năng vận chuyển giấy đi qua máy in.
  • Bộ phận ra giấy: là bộ phận nhận giấy ra và vỗ giấy đều thành cây giấy trên bàn ra giấy.
  • Hệ thống làm ẩm: Hệ thống làm ẩm trong in offset tờ rời cung cấp dung dịch làm ẩm gốc nước, hoặc dung dịch máng nước lên bề mặt khuôn in trước khi nó được chà mực. Dung dịch làm ẩm giữ cho phần tử không in trên khuôn được ẩm ướt do đó nó không bắt mực. Nó được chà lên toàn bộ bản in.

Tuy nhiên, các phần tử không in bắt nước và đẩy mực trên khuôn, chúng được tạo ra theo cách hút bám một lớp mỏng gôm arabic trong quá trình chế tạo khuôn in, đó là hydrophilic, hay chất ưa nước, trong khi các phần tử in là hydropho­bic, hay chất có khuynh hướng đẩy nước. Thực ra nước bản thân nó có thể được sử dụng để làm ẩm bản. Một vài máy in offset tờ rời có thể chọn sử dụng một mình nước để in các ấn phẩm số lượng ít. Tuy nhiên, lớp đẩy mực này dần dần lột ra khỏi khi khuôn in tiếp tục sử dụng trên máy. Các hoá chất trong dung dịch làm ẩm bổ sung thêm độ đẩy mực cho lớp này.

  • Hệ thống truyền mực:Hệ thống cung cấp mực in trong máy in offset tờ rời có 4 chức năng cơ bản sau: Dẫn mực từ lô máng mực đến khuông in. Tách lớp mực dày ra thành lớp mực mỏng đồng đều trên các lô truyền. Chà mực lên các phần tử in trên bản. Loại bỏ mực in tái lập trên lô chà từ các công việc in trước đó.
  • Máng mực: chứa mực in cần cung cấp trong quá trình in. Lô chấm: là một lô chuyền luân phiên tiếp xúc giữa lô máng mực và lô đầu tiên của hệ thống cấp mực, thông thường là lô tán trong hệ thống cấp mực. Lô tán và lô sàn: là các lô chuyển động ăn khớp bằng bánh răng và dây sên không chỉ quay tròn được mà còn chuyển động qua lại theo phương ngang với trục ống từ trái qua phải Máng mực, hai thành bên hông máng mực, dao gạt và lô máng mực và làm nhiệm vụ chà dàn mỏng lớp mực in lên các lô và xoá các lớp mực in trước đó trên lô chà. Các lô trung gian: là các lô chuyển động được dựa vào sự tiếp xúc với các lô chuyển động khác có nối kết với bộ phận truyền chuyển động, các lô trung gian nằm ở giữa lô chuyền và lô chà, làm nhiệm vụ và định lượng mực cấp cho quá trình in; thường được gọi là lô định lượng – khi chúng tiếp xúc với hai lô khác hoặc được gọi là lô dằn – khi chúng chà tiếp xúc với một lô khác; ví dụ như lô tán. Các lô chà bản in: gồm 3-4 lô chà bản thường có đường kính khác nhau, tiếp xúc và chà mực lên bản in.

 

Bài viết dưới đây giới thiệu về quy trình in offset với 5 bước cơ bản.

Bước 1: Thiết kế chế bản

Đầu tiên phải tạo ra đi tượng cần in trên máy tính. Ví dụ ta định in một tờ rơi khổ A4 để quảng cáo cho một Công ty Bán máy tính, trước hết ta phải chuẩn bị các tư liệu liên quan tới việc quảng cáo đó: hình ảnh máy vi tính và các thiết bị, địa chỉ, số điện thoại…., sau đó đưa lên máy tinh để xử lý và sắp xếp cho hài hoà và ấn tượng với sự phối hợp cả tư duy, kinh nghiệm của người thiết kế và dựa trên ý muốn của khách hàng…, hoàn thành xong phần thiết kế chế bản là tới phần outfilm…

Bước 2: Output Film

Chế bản xong thì xuất để outfilm, đối với các tờ rơi có hình ảnh, Film sẽ được out thành bốn tấm đại diện cho bốn lớp mầu C (Cyan), M (Magenta), Y (Yellow), K (Black). Tới đây ta đề cập một chút về vấn đề mầu sắc trong in Opset:

Mầu trong in Opset là hệ mầu CMYK, ta có thể hiểu khái quát rằng tất cả các mầu sắc đều có thể pha được từ 4 mầu CMYK này, ví dụ mầu đỏ cờ là sự kết hợp từ mầu Y (Yellow/vàng) và mầu M (Magenta/hồng); Hay mầu Xanh Blue (xanh tím) là sự kết hợp của hai mầu C (Cyan/xanh nhạt) và M (Magenta/hồng); Rồi còn các mầu được kết hợp từ 3 trong 4 mầu nói trên hay kết hợp của cả 4 mầu với nhiều thông số khác nhau sẽ đạt được nhiều kết quả mầu sắc khác nhau.

Output 4 tấm phim xong thì chuyển sang phơi bản kẽm

Bước 3: Phơi bản kẽm

Khi đã có 4 tấm phim, người ta đem phơi từng tấm một lên bản kẽm (hiểu một cách đơn giản hơn là đem chụp hình ảnh của từng tấm phim lên từng tấm bản kẽm bằng máy phơi kẽm), đến đây ta đã có trong tay 4 bản kẽm đại diện cho 4 mầu C, M, Y, K để bước sang phần in.

Bước 4: In Offset

Người ta sẽ tiến hành in từng mầu một, in mầu gì trước, mầu gì sau không quan trọng hoặc tùy vào kinh nghiệm của người thợ in. Đầu tiên, người ta sẽ lựa chọn một trong 4 kẽm mầu đó để lắp lên quả lô máy in Offset, ở phần vào mực của máy người ta cũng sẽ cho loại mực tương ứng (ví dụ bản kẽm mầu C (Cyan) thì người ta cũng cho mực C và tiến hành in, Quả lô quay qua tờ giấy sẽ đập phần tử in xuống tờ giấy in, sau khi chạy xong hết số lượng định in, người ta tháo kẽm ra, vệ sinh hết mực cũ, lắp kẽm mới vào, ví dụ mầu vừa in xong là mầu C (cyan) thì giờ sẽ lắp kẽm Y (Yellow) vào, phần vào mực sẽ cho mực Y (vàng), cho giấy đã in một mầu kia vào và lại tiếp tục quy trình cũ…. Cứ thế tuần tự cho đến khi hết cả bốn mầu, bốn mầu đó chồng lên nhau sẽ cho ra bản in cuối cùng.Trong quá trình in như vậy, với mỗi màu, người ta sẽ phải chạy thử khoảng 50 bản cho màu thật ổn định. Tổng cộng cả quá trình vào khoảng 200 bản chạy thử. Chính vì vậy, khi in offset, người ta phải tính dư giấy ra khoảng 200 tờ in (gọi là bù hao giấy)

Bước 5: Gia công sau in

Cán láng: Cán láng là cán lớp màng mỏng lên bề mặt của tờ rơi sau khi in, cán láng sẽ tạo ra cho tờ rơi sự mịn của giấy khiến cho hình ảnh cũng trở nên đẹp hơn.

Có 2 kiểu cán láng: cán mờ và cán bóng: Cán mờ sẽ tạo ra bề mặt mịn và mềm còn Cán bóng sẽ cho bề mặt bóng hẳn lên.

Cán láng chỉ là một trang sức sau khi in, không bắt buộc, khách hàng có thể lựa chọn hoặc không là tuỳ.

Xén: Thông thường khi in người ta sẽ để tờ giấy to (phù hợp với khổ máy) để in; Sau khi in xong sẽ sử dụng máy xén để xén thành phẩm.

Kỹ thuật cắt xén để tạo hình cho góc ấn phẩm theo những kích thước chuẩn có sẵn của máy.

Trong các ấn phẩm như namecard, thiệp, tờ gấp, catalogue… người ta thường sử dụng kỹ thuật chặt góc để giảm góc cạnh, hoàn thiện hơn.

Các loại góc trong chặt góc được tạo theo một khuôn mẫu kích thước nhất định từ nhỏ tới lớn. Do kỹ thuật này được làm bằng máy nên các góc được chặt nằm ngay ngắn, cân đối trên ấn phẩm. Có 2 kích thước Góc thông dụng: loại 2mm và 5mm.

( Hình minh hoạ)

Ưu điểm của hình thức chặt góc là các góc được xử lý đẹp, nhanh chóng, tiện lợi, giá thành tiết kiệm. Tuy nhiên so với phương pháp bo góc theo khuôn thì có phần hạn chế do mẫu mã các góc bị giới hạn, các đường chặt góc chưa thực sự sắc nét và sát với thiết kế.

Phân biệt Chặt góc và Bo góc theo khuôn.

(Hình minh hoạ)

Kỹ thuật sử dụng trong in ấn để logo, biểu tượng, phần chữ, một phần hình ảnh… muốn nhấn mạnh có bề mặt ánh kim loại đủ màu trên mặt giấy. Mục đích làm cho ấn phẩm được nổi bật hơn.

(Hình minh hoạ)

Những phần tử được ép kim trên ấn phẩm tạo nhiều sự thu hút, được sử dụng đa dạng cho nhiều loại ấn phẩm như: name card, thiệp cưới, voucher, menu, catalogue, túi giấy…

Ấn phẩm được in với kỹ thuật ép kim có những chi tiết với độ bóng và hiệu ứng hình ảnh sắc nét, độ bền cao, bề mặt được ép kim bắt sáng. Kỹ thuật ép kim tạo sự sang trọng, hoàn thiện và giá trị cho ấn phẩm. Chính vì vậy ấn phẩm ép kim sẽ tạo được sự chú ý hơn những ấn phẩm được in ấn thông thường, đó cũng là lý do nhiều khách hàng, người nhận được ấn phẩm có ép kim thường lưu giữ cẩn thận các ấn phẩm này.

(Hình minh hoạ)

Các màu ép kim rất phong phú: vàng, bạc, xanh, đỏ… Thông dụng nhất là ép kim nhũ vàng, ép kim nhũ bạc.

Kỹ thuật bế nổi hay còn gọi là Letterpress là kỹ thuật sử dụng để logo, biểu tượng, phần chữ… muốn nhấn mạnh nổi lên trên mặt phẳng của ấn phẩm.

(Hình minh hoạ)

Thông thường, kỹ thuật bế nổi được dùng để làm nhấn mạnh các chi tiết trên bề mặt ấn phẩm như logo, hoa văn, hình ảnh… trên name card, bao đĩa CD, voucher, catalogue…

Những phần được bế nổi trên ấn phẩm có mặt trước nổi rõ bên mặt phẳng và mặt sau tương ứng chìm vào trong. Có thể sử dụng tay để cảm giác được phần bế nổi.

Trong các ấn phẩm ứng dụng, bế nổi có thể thay đổi linh hoạt theo các kiểu dáng của phần cần bế, đường bế sát với đường nét của sản phẩm.

Ấn phẩm có dập nổi giúp người xem có ấn tượng mạnh với hình ảnh cũng như cách thiết kế sáng tạo.

Các ấn phẩm  được tạo hình đa dạng, cắt xén, bo góc  theo yêu cầu của khách hàng hoặc theo thiết kế.

(Hình minh hoạ)

Kỹ thuật bế theo thiết kế hỗ trợ sự đa dạng trong thiết kế của các ấn phẩm in ấn ngày nay như name card, bao thư, tờ gấp, tờ rơi… Bế theo thiết kế thỏa mãn hầu hết các kiểu thiết kế, có thể cắt hình, bo các góc… phức tạp mà vẫn thỏa mãn đúng như yêu cầu của thiết kế đưa ra. Đường bế rõ ràng, sắc nét, sát với hình được bế, đúng thông số kích thước thiết kế nên đường bế chính xác, sắc nét và tạo được vẻ nổi bật cho ấn phẩm.

Kỹ thuật sử dụng để logo, biểu tượng, phần chữ… muốn nhấn mạnh có bề mặt phủ một lớp màng bóng lên bề mặt giấy theo hình yêu cầu.  Mục đích làm cho phần được nổi bật hơn. Ứng dụng trong các sản phẩm namecard, catalogue, menu…

UV định hình làm sáng lên một phần hình ảnh đã được lựa chọn để làm nổi bật chứ không phải toàn bộ ấn phẩm. Ở mặt trên những phần được lựa chọn sẽ được phủ một lớp UV nên có bề mặt sáng bóng hơn, phân biệt rõ ràng hơn với bề mặt còn lại của ấn phẩm. Mục đích chủ yếu là tạo độ bóng và sự nhấn mạnh vào các chi tiết cần thiết.

Phần được phủ UV định hình có thể phân biệt rõ ràng bằng mắt thường hay dùng tay để cảm nhận.

Ưu điểm của kỹ thuật phủ UV định hình đầu tiên là làm nổi bật được các chi tiết quan trọng của ấn phẩm. Sử dụng được cho nhiều chất liệu ấn phẩm, độ bền cao, độ bám dính cao.

Kỹ thuật tạo đường gấp dễ dàng và thẩm mỹ cho ấn phẩm.

(Hình minh hoạ)

Đối với các ấn phẩm name card, tờ gấp, tờ rơi, sổ, catalogue, thiệp… cần phải gấp lại thì đường gấp phải được cấn sẵn. Có đường cấn, các ấn phẩm sẽ dễ dàng gấp lại hơn, đường gấp ngay ngắn, liền mạch hơn. Đối với các loại giấy dày, giấy mỹ thuật, giấy có độ cứng nhất định thì đường cấn này còn giúp cho giấy được thẳng, không bị gãy, bị nhăm nhúm khi gấp lại.

Đường cấn thường mảnh nên không ảnh hưởng đến thiết kế.

Kỹ thuật đục một hoặc nhiều lỗ trống xuyên qua sản phẩm.

(Hình minh họa)

Ứng dụng cho các dạng ấn phẩm như: tag, mác sản phẩm, thiệp, name card..

Kỹ thuật đục lỗ được tiến hành bằng máy, lỗ đục có kích thước theo chuẩn, đường đục lỗ thẩm mỹ, ngay ngắn.  Kích thước lỗ thông dụng: Đường kính 2mm và 5mm

Kỹ thuật cán màng là phương pháp phủ lên bề mặt ấn phẩm một lớp polyme, tùy theo mục đích sử dụng mà có hai loại màng để lựa chọn là cán màng bóng và cán màng mờ. Cán màng tăng thêm độ bền cho ấn phẩm. Giữ mực in không bị phai màu, không bị ố, màu sắc vẫn rõ nét, ấn phẩm có tính hiện đại và thẩm mỹ cao.

Lớp màng polyme được cán áp sát,  vào bề mặt ấn phẩm. Lớp màng cán xong có độ mỏng, phẳng nên vẫn giữ nguyên hình dáng ấn phẩm ban đầu, bề mặt ấn phẩm có độ mịn, trơn láng, không có bọt khí và không bị nhăn như những cách ép thông thường.

(Hình sản phẩm thực tế)

Màng mờ là loại màng khi cán lên giấy có độ mịn ở bề mặt, trong suốt nhưng không bắt sáng và phản chiếu ánh sáng. Màng mờ tạo cho ấn phẩm vẽ đẹp trang trọng, thích hợp với các ấn phẩm bìa sách, catalogues, thiệp…Hình ảnh trên ấn phẩm sao khi cán màng mờ vẩn giữ được sự sắc nét, màu sắc có hơi sẫm hơn một chút. Tuy nhiên điều đó không ảnh hưởng mấy tới chất lượng ấn phẩm.

Màng bóng là loại màng khi cán lên giấy có độ trơn láng, sáng bóng, bắt sáng tốt. Ẩn phẩm được cán màng bóng làm tăng thêm vẽ nổi bật, bắt mắt, thích hợp ứng dụng trong các dạng túi giấy, hộp giấy,  nhãn decal…

Loại băng keo có hai mặt đều là keo dính, thường dùng để dán hai mặt của ấn phẩm lại với nhau như dán nắp bao thư, dán các chi tiết rời với ấn phẩm.

(Hình sản phẩm thực tế)

Băng keo hai mặt có nhiều kích thước và độ bám dính khác nhau tùy theo nhu cầu sử dụng, chất liệu giấy dày, mỏng…

Lớp giấy dán bên ngoài phần keo có thể dễ dàng bóc ra, độ bám dính của keo hai mặt cũng khá cao, bám dính tốt trên chất liệu giấy.

Thông thường trên các bao thư, hoặc một vài ấn phẩm khác tương tự có một phần ( hình chữ nhật hoặc hình vuông được thay thế bằng màng kính trong suốt.

(Hình minh hoạ)

Cửa sổ kính cho phép nhìn thấy một phần địa chỉ hoặc thông tin của người gửi, thuận tiện cho việc chuyển giao, nhận.

Phần kính được ráp khéo léo với thân bao thư, mặt kính phẳng và trong suốt.

Đối với những sản phẩm như giấy ghi chú, catalogue, tập vé, menu … sau khi in ấn thành từng trang rời xong sẽ tiến hành đóng lại thành cuốn. Các kỹ thuật thường được sử dụng để đóng thành cuốn là đóng kim, đóng lò xo, dán keo gáy.

Phương pháp đóng lò xò dùng trong đóng gáy sổ, sách, menu, lịch treo tường, lịch để bàn,…dùng để đóng tất cả các tờ trong một ấn phẩm lại thành một cuốn hay một tập, hỗ trợ cho việc lật, mở ấn phẩm được dễ dàng và thẩm mỹ, đồng thờ việc lưu giữ ấn phẩn được dễ dàng hơn.

Lò xo có hình dạng xoắn ốc, chất lượng tốt, có nhiều kích thước khác nhau để lựa chọn cho phù hợp với ấn phẩm,  có hai màu cơ bản là trắng và đen. Trung bình đóng được từ 20 đến 500 tờ tùy định lượng giấy.

Có hai dạng là lò xo nhựa và lò xo thép. Khi đóng lò xo, ấn phẩm sẽ được đục lỗ trước thuận tiện cho việc ghép thêm lò xo vào.

Lò xo nhựa là lò xo được làm bằng nhựa, có độ co dãn, chất liệu nhựa tốt, thích hợp với các dạng ấn phẩm văn phòng thông thường.

(Hình sản phẩm thực tế)

Lò xo thép là lò xo làm từ chất liệu thép sơn tĩnh điện, độ bền cao, mẫu mã đẹp, thích hợp cho các ấn phẩm menu, giấy ghi chú…

Phương pháp phổ biến trong đóng giấy ghi chú, catalogue, menu…

(Hình minh họa)

Phương pháp đóng kim tương đối phổ biến vì tính tiện lợi, phù hợp với nhiều ấn phẩm, đường đóng kim không ảnh hưởng tới tính thẩm mỹ của ấn phẩm nhưng rất chắc chắn.

Đường đóng kim thường nằm giữa gáy sổ, sách, catalogue, là cách dùng kim (chất liệu kim loại) bấm vào giữa gáy sổ, sách, để giữ các trang giấy sổ, sách… cố định. Tùy vào kích thước sản phẩm mà có các loại, kích thước kim đóng phù hợp.

Dán keo đầu cũng là một hình thức để đóng cuốn đối với các dạng giấy ghi chú, catalogue, tập vé xe, tập biên lai…

Các tờ giấy trong tập được xếp ngay ngắn và cố định bởi keo chuyên dụng ở phần đầu. Cách dán keo gáy này đảm bảo cho các tờ trong tập còn nguyên vẹn với thiết kế ban đầu. Ấn phẩm sau cùng ngay thẳng và đẹp mắt.

Có thể sử dụng phương pháp đóng keo đầu đối với ấn phẩm có số lượng tờ lớn.

Keo dán chắc chắn, gọn và đẹp. Đối với các dạng biên lai, vé, có thể xé rơi ra dễ dàng để sử dụng.

Là kỹ thuật cấn một hay nhiều đường trên namecard, thiệp, tờ gấp, tờ rơi và các ấn phẩm khác.

(Hình sản phẩm thật tế)

Khác với đường cấn để gấp lại, đường cấn răng cưa chủ yếu dùng cho các ấn phẩm có thể xé rời như các lại voucher, tem, phiếu, vé… công dụng là để tạo đường đứt quãng giúp lúc ấn phẩm lúc chưa xé rời có sự liền mạch, tạo thành 1 tập hoặc 1 cuốn, lúc cần thiết có thể dễ dàng xé rơi mà không bị rách giấy hay làm nhăn giấy.

Đường răng cưa có thể dài hoặc ngắn tùy theo nhu cầu. đường cấn thẳng, thẩm mỹ, có thể điều chỉnh theo mẫu thiết kế.

Bế demi là phương pháp bế dành cho các ấn phẩm decal giấy, decal nhựa ứng dụng cho các loại tem, nhãn sản phẩm, hình dán đồ chơi trẻ em…là đường bế theo hình dáng của hình decal được thiết kế, mục đích để thuận tiện bóc decal ra khỏi lớp giấy bảo vệ keo dán.

(Hình ấn phẩm thật tế)

Có thể bế được các dạng hình thù khác nhau từ đơn giản tới phức tạp, kích thước có thể thay đổi linh hoạt nhưng vẫn đáp ứng yêu cầu là sát với hình dạng và kích thước của thiết kế.

Bế demi làm cho decal  dễ tháo gỡ để sử dụng, đường bế liền mạch không bị đứt quãng, không làm đứt giấy.

Đóng số nhảy tự động là phương pháp hữu dụng khi cần đánh số theo thứ tự, theo series của các ấn phẩm như vé xe, biên lai, phiếu quà tặng…

(Hình ấn phẩm thật tế)

Trong đóng số nhảy, các số sẽ được đóng liên tiếp hay một số lặp lại 1 hay nhiều lần, các chữ số đều nhau, cùng font.

Đóng số nhảy tiết kiệm thời gian hơn ghi số bằng tay. Các số đóng trên ấn phẩm có màu mực rõ ràng, chữ số chuẩn, số theo đúng thứ tự.

Có thể đóng lên đến 8 chữ số.

Decal được sử dụng rất phổ biến trong cuộc sống như tem, nhãn sản phẩm, logo, sticker, hình dán trẻ em, hình dán ô tô, xe máy… bởi tính tiện lợi, và mẫu mã đa dạng.

Decal có hai mặt, một mặt có hình ảnh, chữ, logo, mặt còn lại có một lớp keo dán được bảo vệ bởi một lớp giấy không dính, dễ dàng bóc ra khi cần sử dụng rất nhanh chóng.

Có hai loại decal phổ biến là Decal nhựa và decal giấy.

  • Decal giấy: Thường được sử dụng để in tem, nhãn mác sản phẩm, logo dán, các hình dán trẻ em, các loại sticker…được làm bằng chất liệu giấy, tùy theo nhu cầu có thể cán thêm màng bóng, hoặc màng mờ để bảo vệ lớp mực in và chống thấm nước. Được  bế demi theo nhiều hình dạng khác nhau, bế sát với thiết kế.
  • Ưu điểm: Thời gian thực hiện nhanh chóng, giá thành tiết kiệm, decal đẹp, bắt mắt, sử dụng tiện lợi.
  • Khuyết điểm: Thời gian sử dụng không dài, nếu không cán màng sẽ dễ bị môi trường tác động làm mất đi độ bền, phai màu.
  • Decal nhựa: Sử dụng để in tem, cái hình dán xe ô tô, dán bình đựng nước , có các loại decal nhựa thông dụng  là decal nhựa trong và decal nhựa sữa. Tương tự decal giấy, decal nhựa cũng được bế sát với thiết kế, nhiều hình dáng đa dạng.
  • Ưu điểm: Decal nhựa có độ bền cao, dẻo dai, chịu nhiệt tốt, chịu được độ ẩm, chống thấm nước, không phai màu. Bám dính trên nhiều chất liệu.
  • Khuyết điểm: giá thành cao.