Quy trình thiết kế Logo

Thiết kế Logo cho doanh nghiệp là điều không hề dễ dàng, nhất là khi nó ảnh hưởng đến toàn bộ nhận diện của khách hàng đối với doanh nghiệp đó. Hầu hết các nhà thiết kế hiện nay đều đi theo một quy trình thiết kế logo, điều này giúp họ hạn chế những lỗi mắc phải trong quá trình thiết kế, chẳng hạn như việc đi sai lệch lĩnh vực mà doanh nghiệp đang kinh doanh dẫn đến việc logo không phản ánh được tính chất của ngành nghề, xa hơn là bạn có thể mất luôn khách hàng khi họ không thể tín nhiệm và tin tưởng giao yêu cầu thiết kế cho bạn nữa.

Để hạn chế được những sai sót không cần thiết cũng như trở nên chuyên nghiệp hơn trong lĩnh vực thiết kế đồ họa, hãy tham khảo quy trình thiết kế logo sau đây, sẽ giúp ích rất nhiều nếu như bạn vừa chập chững bước vào con đường thiết kế

Nội dung chính

Bước 1: Nhận bản tóm tắt ý tưởng thiết kế (Brief)

Khi tham gia vào bất kỳ dự án thiết kế nào, bạn sẽ nhận được yêu cầu thiết kế từ khách hàng (hay thường gọi là brief). Đây có thể xem như “đề bài” mà khách hàng đặt ra cho bộ phận thiết kế. Việc của nhà thiết kế là phải lắng nghe sự diễn giải từ phía khách hàng để hiểu rõ yêu cầu đặt ra, nếu cần thiết thì hãy hỏi lại cho đến khi bạn chắc rằng mình đã hiểu hết.

  • Đọc tóm tắt sáng tạo đúng cách.
  • Hiểu rõ sản phẩm, dịch vụ kinh doanh của khách hàng.
  • Chuẩn bị sẵn danh sách các câu hỏi và gửi mail hoặc đến gặp trực tiếp để nắm rõ hơn thông tin sản phẩm mà mình sắp làm cũng như bản chất kinh doanh của khách hàng.
Xem thêm:  Tài sản Thương hiệu - Brand equity

Bước 2: Tiến hành nghiên cứu

Nghiên cứu sâu hơn, chi tiết hơn về khách hàng và sản phẩm của họ.

– Xem xét các khía cạnh màu sắc, font chữ và chủ đề thiết kế khác nhau để đánh giá sự phù hợp cho doanh nghiệp của khách hàng.

– Đối thủ cạnh tranh của khách hàng cũng là điều bạn cần quan tâm.

– Tìm hiểu về màu sắc, biểu tượng, hình ảnh đặc biệt mà khách hàng yêu cầu phải có trong bản thiết kế, thường gọi là brand guidelines (nếu có).

  • Hãy vừa nghiên cứu vừa đặt câu hỏi để biết được khách hàng đang quan tâm đến điều gì. Bạn có thể tư vấn thêm cho khách hàng để sau đó bắt tay vào việc phác thảo dựa trên những chi tiết mà bạn tìm hiểu được.

Bước 3: Bắt đầu phác thảo

Đây là bước để bạn khai triển ý tưởng thiết kế sau giai đoạn tìm hiểu và lên ý tưởng. Hãy bắt đầu bằng cách khai triển những nét vẽ thô trên giấy để từ đó phát triển rộng hơn ý tưởng ban đầu. Điều này cũng đồng thời giúp bạn thúc đẩy quá trình sáng tạo nếu bạn chú ý đến từng chi tiết nhỏ của bản vẽ.

  • Vẽ thật nhanh những ý tưởng thoáng qua trong đầu bạn giúp chúng không bị lạc mất. Quan trọng là bạn giữ được ý tưởng, đừng quan tâm đến vấn đề mỹ thuật.
  • Có thể tham khảo những mẫu thiết kế logo có sẵn của đối thủ hoặc ngành nghề liên quan để tìm cảm hứng, nhưng lưu ý đừng để hình ảnh đó ấn tượng quá lâu trong đầu bạn, đặc biệt “không sao chép”

Bước 4: Số hóa mẫu thiết kế

Đưa ý tưởng của bạn lên file thiết kế trên máy tính thông qua những phần mềm đồ họa chuyên dụng như: Illustrator, Corel,… Việc số hóa những ý tưởng này giúp bạn có thể thử nghiệm với những biến thể khác nhau từ ý tưởng ban đầu (có thể là thay đổi góc độ, màu sắc, size chữ…) mà không tiêu tốn quá nhiều thời gian

  • Tạo ra nhiều biến thể khác nhau để lựa chọn phương án tối ưu nhưng nhớ lưu ý đến bản sắc của doanh nghiệp và yêu cầu mà ban đầu khách hàng đề ra để tránh đi quá xa so với bản brief.
Xem thêm:  [Free Download] Chia sẻ lịch treo tường Mừng Xuân Don Bosco 2022

Bước 5: Thuyết trình với khách hàng

Chọn ra 2 mẫu thiết kế mà bạn cho là tối ưu và phù hợp nhất để đi thuyết trình với khách hàng. Hãy chắc rằng bạn hiểu rõ về màu sắc (độ tương phản, độ đậm nhạt, độ bóng…), font chữ (có chân, không chân, nét mảnh, nét đậm…), cách sắp xếp đối tượng trong thiết kế của mình

  • Cần nắm rõ yêu cầu thiết kế từ phía khách hàng để đưa ra yếu tố chính/phụ khi lựa chọn màu sắc, font chữ, sắp xếp bố cục.
  • Mỗi lĩnh vực thường có màu sắc riêng biệt giúp gợi nhớ về ngành nghề (tham khảo thêm Ý nghĩa của màu sắc). Hãy cân nhắc nếu bạn lựa chọn màu sắc không phải là đặc trưng của lĩnh vực vì rất dễ khiến người xem hiểu lầm, trừ trường hợp do Brand guidelines yêu cầu
  • Hãy cho logo của bạn có khả năng mở rộng, không bị giảm chất lượng khi thay đổi kích cỡ hoặc in một màu.
  • Nên trình bày cho khách hàng tối thiểu 2 mẫu thiết kế để khách hàng có sự lựa chọn.

Bước 6: Tiếp nhận phản hồi

Đây là bước quyết định mức độ hiểu nhau giữa bạn và khách hàng. Nếu may mắn, bạn sẽ không phải thay đổi quá nhiều từ bản thiết kế ban đầu của mình. Tuy nhiên, nếu phải thay đổi gần như toàn bộ ý tưởng ban đầu hãy vẫn giữ thái độ hợp tác, vui vẻ và tỏ ra chuyên nghiệp, biết đâu bạn sẽ tạo ra mẫu thiết kế còn tốt hơn ban đầu. Bạn có thể sẽ phải thuyết trình thêm lần nữa nếu như mẫu thiết kế được yêu cầu thay đổi quá nhiều so với concept mà bạn lựa chọn.

  • Nhìn nhận sự đánh giá dưới góc độ khách hàng và lưu ý các thông tin phản hồi
  • Liên lạc với khách hàng, cung cấp các thay đổi cần thiết và gửi thêm cho họ 1 hoặc 2 mẫu sau khi nhận các thông tin phản hồi ban đầu.
  • Giữ thái độ hợp tác và chỉnh sửa cho đến khi khách hàng hoàn toàn hài lòng.
Xem thêm:  Top trò chơi Team Building vui nhộn, sáng tạo, lầy lội

Bước 7: Hoàn thiện và giao toàn bộ File cho khách hàng.

Xin chúc mừng vì bạn đã đến được bước này. Nhiệm vụ hiện giờ của bạn là hoàn thiện thật kỹ lưỡng cho đến tiểu tiết nhỏ và gửi file cho khách hàng

  • Lưu toàn bộ file thiết kế gốc (vector) lẫn file ảnh (raster) vào Google drive hoặc USB để gửi cho khách hàng
  • Khuyến nghị nếu bạn muốn trở nên chuyên nghiệp hơn hãy có thêm bảng quy cách logo gửi kèm. Trong đó sẽ bao gồm các thông số màu sắc, font chữ, kích thước của những đối tượng thể hiện trong logo

Một quy trình thiết kế logo trải qua 7 bước có thể khá dài và khiến nhiều người muốn “đốt cháy” công đoạn vì tiêu tốn quá nhiều thời gian. Nhưng nếu bạn thật sự muốn phát triển nghề thiết kế cũng như hướng đến sự chuyên nghiệp khuyên bạn đừng nên xem nhẹ bất kỳ khâu nào.

Chúc bạn sẽ có những trải nghiệm thật tốt trong nghề thiết kế của mình và nhận về thật nhiều đơn hàng thiết kế.